Lần đầu mang thai, bên cạnh cảm giác hạnh phúc, vui sướng thì các bà mẹ còn gặp phải không ít vấn đề từ những thay đổi của cơ thể. Do đó, bạn nên tìm hiểu kỹ những điều cần biết khi mang thai lần đầu để chăm sóc bản thân đúng cách, giúp bé cưng phát triển tốt nhất.
Bạn mới mang thai lần đầu và băn khoăn không biết làm sao để có một thai kỳ suôn sẻ? Hãy cùng Edutoys tìm hiểu những điều cần biết khi mang thai lần đầu trong bài viết sau để có sực chuẩn bị thật tốt nhé.
20 điều cần biết khi mang thai lần đầu
1. Hiểu rõ các dấu hiệu mang thai
Trong thời gian chuẩn bị mang thai, một trong những việc quan trọng cần làm là bạn cần tìm hiểu kỹ các dấu hiệu mang thai. Bởi đôi khi các triệu chứng ấy có thể là “tín hiệu giả”. Để chắc chắn, bạn có thể sử dụng que thử thai tại nhà hoặc đi khám. Ngoài dấu hiệu trên, nếu thấy thêm các triệu chứng như buồn nôn, đau lưng, tâm trạng thay đổi thất thường, đau ngực, thèm ăn chua… thì nhiều khả năng là bạn đã có tin vui.
2. Khám thai định kỳ
Để có một thai kỳ khỏe mạnh, nhiều cặp vợ chồng đã đi khám sức khỏe tiền sản trước khi thụ thai. Khi đã mang thai, mẹ bầu nên tuân thủ lịch khám thai định kỳ mà bác sĩ đã đề ra. Các buổi khám thai là cơ hội để mẹ tìm hiểu sự phát triển của bé cũng như biết rõ tình hình sức khỏe hiện tại của bản thân. Ngoài ra, khám thai thường xuyên còn giúp phát hiện sớm các vấn đề bất thường ở thai nhi để có hướng chăm sóc và xử lý phù hợp.
3. Tìm hiểu lịch sử y tế gia đình khi chuẩn bị mang thai
Đây là một trong những điều quan trọng nhất mà bạn cần chuẩn bị trước khi mang thai. Thảo luận với những người thân trong gia đình hai bên để biết chính xác những vấn đề di truyền hoặc dị tật thai nhi từng xuất hiện trong dòng họ. Điều này sẽ giúp bạn chuẩn bị tâm lý cũng như có biện pháp chủ động phòng ngừa.
4. Khi mang thai lần đầu cần tiêm vắc xin đầy đủ
Ở mỗi giai đoạn của thai kỳ, bạn sẽ được bác sĩ tư vấn nên tiêm loại vắc xin nào. Chúng sẽ giúp bạn ngăn ngừa việc bị ốm hay lây nhiễm bệnh sang cho con ngay từ trong bụng mẹ hoặc khi chào đời. Hãy nhớ rằng một số bệnh có thể gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe thể chất và tinh thần của bé. Vì vậy, bạn hãy chăm sóc bản thân cẩn thận.
Nhiều người nói rằng, tiêm vắc xin khi mang thai sẽ không tốt cho sức khỏe của bé. Tuy nhiên, hiện tại vẫn chưa có bằng chứng để chứng minh. Việc tiêm vắc xin khi mang thai thường lợi nhiều hơn hại. Các vắc xin mà mẹ bầu cần tiêm có thể bao gồm:
- Vắc xin viêm gan B: Không gây nguy hiểm cho thai nhi
- Vắc xin viêm gan A: Nên tiêm nếu có nhiều nguy cơ mắc bệnh
- Vắc xin phòng cúm (ở dạng bất hoạt): Nên tiêm trước khi vào mùa cúm
- Vắc xin uốn ván, bạch hầu và ho gà: Nên tiêm từ tuần 27–36 của thai kỳ
- Vắc xin viêm màng não.
Một số vắc xin mẹ bầu không nên tiêm:
- Vắc xin cúm LAIV
- Vắc xin ngừa HPV
- Văc xin ngừa sởi, quai bị và sởi Rubella
- Vắc xin bại liệt (IPV).
5. Những lưu ý khi mang thai: Hiểu rõ các giai đoạn của thai kỳ
Thai kỳ được chia thành ba giai đoạn, mỗi giai đoạn gồm ba tháng, được gọi là tam cá nguyệt. Ở từng giai đoạn, cơ thể sẽ có những thay đổi khác nhau như thay đổi hormone, huyết áp, hô hấp và quá trình trao đổi chất. Bạn nên theo dõi những thay đổi này ngay từ những ngày đầu mang thai. Ngoài ra, bạn cũng nên tính ngày dự sinh, để chuẩn bị mọi thứ cho thật tốt.